Hàn Quốc có vô vàn lịch sử lâu đời, qua nhiều năm, một số truyền thống vẫn đang được truyền lại cho các thế hệ trẻ. Một trong số đó phải kể đến là văn hóa uống rượu. Đối với người Hàn, uống rượu không đơn thuần chỉ để say mà còn là hình thức xã giao phổ biến nhất, giúp tạo dựng mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên khi uống rượu cũng phải có “luật”. Việc uống rượu đối với người Hàn Quốc cũng có những quy tắc nhất định. Tìm hiểu trước những quy tắc này sẽ rất hữu ích cho bạn đó nhé.
Thứ nhất: Vai vế trên bàn rượu rất quan trọng
Không chỉ trong cuộc sống, công việc mà trong bàn rượu người Hàn Quốc cũng rất coi trọng vai vế.
Về vị trí ngồi: Người có vai vế lớn trong nhóm sẽ được ngồi ở vị trí quan trọng, trung tâm thường là hướng từ cửa vào. Thường các hậu bối sẽ để tiền bối ngồi xuống trước rồi họ mới ngồi.
Về người rót rượu: Người có cấp bậc thấp hơn sẽ là người rót rượu cho người bề trên và sẽ không để cốc của tiền bối bị trống.
Thứ hai: Không tự rót rượu cho mình mà hãy để việc đó cho những người còn lại trong bàn ăn
Khác với người Việt khi uống rượu sẽ có một người rót rượu cho tất cả mọi người, thường là người trẻ tuổi nhất, rồi sau đó tự rót cho mình thì người Hàn Quốc lại rót lẫn cho nhau chứ không tự rót rượu cho mình bao giờ. Thông thường, người rót rượu là người trẻ tuổi nhất hoặc có thứ bậc thấp nhất. Họ sẽ rót với tư thế thẳng lưng, một tay đặt lên ngực hoặc đỡ khuỷu tay kia để tỏ lòng kính trọng. Khi bắt gặp những chiếc cốc rỗng trên bàn, hãy nhanh chóng đổ đầy chúng bắt đầu từ người cao cấp bậc nhất. Người Hàn làm như thế để thể hiện sự tôn kính và lịch sự.
Thứ ba: Rót rượu cũng phải có quy cách
Rót rượu cho tiền bối, cấp trên hay người lớn tuổi cũng không được tùy tiện. Khi rót rượu bạn cần phải dùng cả 2 tay. Để thể hiện sự tôn trọng, người Hàn Quốc thường sử dụng một tay để giữ chai và đặt tay kia lên khuỷu tay hoặc ngực khi rót đồ uống. Nếu chai rượu quá lớn để cầm bằng một tay, bạn có thể sử dụng cả hai tay. Và khi được ai đó rót rượu, đầu hơi cúi thấp, hai tay đón nhận vừa thể hiện sự cảm ơn, vừa lịch sự. Hơn nữa, hành động này thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi hơn mình.
Ngoài ra lượng rượu khi rót không phải đúng không được quá ít hay quá nhiều để tránh tình trạng người nhận mất hứng do đó rót rượu khoảng 70-80 % là hợp lý.
Thứ tư: Cách nhận rượu cho đúng phép tắc
Đối với người bằng hoặc ít tuổi hơn sẽ không có lưu ý nhiều tuy nhiên khi được người lớn tuổi hơn mời rượu bạn cần nhận rượu bằng hai tay. Bên cạnh đó khi chạm ly, ly rượu của bạn nên để thấp hơn ly của tiền bối. Tuy đây là tiểu tiết nhỏ nhưng nó sẽ giúp bạn có cái nhìn thiện cảm hơn từ người lớn tuổi.
Đặc biệt, trên bàn rượu bạn phải lưu ý: không được phép từ chối khi được người khác mười rượu. Ở Hàn, việc từ chối đi nhậu được coi là thất lễ. Nhất là, khi được các tiền bối mời rượu nếu từ chối thẳng thừng sẽ bị coi là bất kính, bởi vậy dẫu bạn không uống được rượu cũng hãy lịch sự nhận rượu, cụm ly với họ và nhấp môi nhẹ. Khi được hỏi lý do vì sao không uống hết mới bày tỏ lý do cá nhân của mình. Nhưng cứ như vậy, mất đi một vài mối quan hệ là điều sớm muộn. Nếu bạn không biết uống thì vẫn nên đi, ngồi trên bàn rượu nói chuyện, vui vẻ cùng mọi người.
Thứ năm : Uống rượu cũng cần biết cách
Khi uống rượu với người lớn tuổi, người trẻ phải xoay người sang phía khác để uống và tay cần che miệng lại. Đây là hành động thể hiện sự kính trọng với các bậc cấp trên. Thế nhưng khi bạn bè thân thiết đi với nhau thì thủ tục này có thể bỏ qua. Bởi lẽ sau nhiều hớp rượu, niềm vui và những câu chuyện đã mang mọi người đến gần nhau hơn.
Văn hóa Hàn nói chung và các quy tắc trên bàn rượu của người Hàn Quốc nói riêng thật đặc sắc và thú vị. Nếu bạn có cơ hội được học tập và làm việc tại đất nước này, hãy trải nghiệm nhiều hơn văn hóa nơi đây. Hy vọng rằng, bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin bổ ích, giúp các bạn chuẩn bị đầy đủ hơn cho hành trang du học Hàn Quốc của mình.